khách hàng thắng kiện chủ đầu tư
Vì chậm bàn giao nhà cho khách hàng hơn 13 tháng mà Công ty TNHH đầu tư phát triển nhà Quốc Cường (thành viên của Quốc Cường Gia Lai) đã bị khách hàng khiếu kiện. Trong phiên xử ngày 17/6, tòa án nhân dân quận 3 đã tuyên bản án sơ thẩm buộc Công ty nhà Quốc Cường phải bồi thường cho khách hàng với số tiền 258 triệu đồng. Việc khách hàng thắng kiện chủ đầu tư được xem như là một tiền lệ trên thị trường bất động sản khi người mua nhà hiếm hoi thắng kiện.
Khách hàng làm chủ dòng tiền đầu tư vào dự án
Được biết đến với tên gọi siêu dự án nhưng Usilk City do Công ty Sông Đà Thăng Long làm chủ đầu tư đã đắp chiếu trong thời gian kéo dài. Với mong muốn được nhận nhà trong thời gian sớm nhất nhiều khách hàng mua nhà tại dự án đã thay chủ đầu tư trở thành người
quản lí dòng tiền đổ vào dự án.
Nhóm khách hàng gồm khoảng 280 người đã mua nhà tại dự án sẽ vẫn tiếp tục đóng tiền cho chủ đầu tư thông qua việc mở tài khoản cá nhân tại Ngân hàng BIDV, chi nhánh Thanh Xuân. Thoả thuận này ngay sau đó đã nhận được sự đồng thuận của Công ty Sông Đà Thăng Long cũng như phía ngân hàng.
Theo đó, các khách hàng mua nhà sẽ nộp số tiền còn lại của mình theo hợp đồng bắt đầu muộn nhất là từ ngày 1/8/2013. Số tiền sẽ nộp tương ứng 1/23 tổng số tiền còn lại của mình, trong đó 23 tuần là thời gian mà công ty dự kiến hoàn thiện 3 toà nhà tại cụm CT1 của dự án.
Mô hình này được xem như là một hướng đi mới đã được nhiều chủ dự án “đắp chiếu” từ Bắc vào Nam áp dụng.
Chủ đầu tư Khu công nghiệp Sóng Thần 3 kiện chủ tịch tỉnh Bình Dương
Mới đây, dư luận được một phen xôn xao khi ông Huỳnh Uy Dũng, chủ tịch hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Đại Nam cũng đồng thời là chủ đầu tư Khu công nghiệp Sóng Thần 3 gửi đơn lên Chính phủ khiếu kiện chủ tịch ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương Lê Thanh Cung về những vi phạm, những kiểu 'hành' doanh nghiệp của vị lãnh đạo này. Cụ thể là không phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/500 khu chức năng thuộc Khu công nghiệp Sóng Thần 3. Theo ông Dũng, việc chậm trễ trong việc phê duyệt quy hoạch suốt 7 năm qua khiến dự án ngưng trệ, ông Lê Thanh Cung phải chịu trách nhiệm.
“Được mùa” M&A
Thị trường bất động sản tuy nguội lạnh về giao dịch nhưng lại có nhiều chuyển động trong hoạt động mua bán sáp nhập (M&A). Nếu như Tp.HCM ồn ào với những vụ thâu tóm văn phòng, khu phức hợp và cả hình thức đầu tư tiếp sức thì Hà Nội lại sôi động với những thương vụ chào bán một phần hoặc toàn bộ khách sạn. Có thể điểm danh vài thương vụ nổi bật trong năm như Vingroup chuyển nhượng Vincom Centre A, Warburg Pincus mua 20,02% cổ phần Vincom Retail, Lotte mua lại 70% vốn của Tập đoàn Kotobuki, Hưng Thịnh mua lại dự án Hiệp Tân, Novaland mua lại một dự án tại quận 2 và đặt tên mới là Lexignton An Phú,…
Đáng chú ý, thay vì âm thầm như trước đây, những vụ M&A trong thời gian gần đây ngày càng được công bố rộng rãi và minh bạch hơn.
Nhiều chính sách bất động sản được công bố
Năm 2013 có lẽ là năm ghi dấu trên thị trường bất động sản với nhiều chính sách tác động trực tiếp đến diện mạo toàn thị trường. Điển hình là Nghị quyết 02 của Chính phủ về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường, giải quyết nợ xấu.Trong đó có dành 30 nghìn tỷ đồng hỗ trợ cho thị trường bất động sản. Bên cạnh đó, theo tinh thần của Nghị quyết 02, việc đầu tư xây dựng nhà ở xã hội cũng như chuyển đổi các dự án nhà ở thương mại sang nhà xã hội rất được quan tâm.
Diệu Trang
0 nhận xét:
Đăng nhận xét